Động cơ điện dùng trong sản xuất được chế tạo bởi Vihem

Động cơ điện được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm nhiều loại, nhiều kích thước, nhiều mức công suất khác nhau cho các mục tiêu khác nhau. Ở các nhà máy sản xuất, động cơ chiếm khoảng 60% tổng tải điện.

 

Có nhiều loại động cơ: động cơ không đồng bộ một pha hay ba pha, động cơ đồng bộ, động cơ một chiều với nhiều cấp điện áp và nhiều cấp tốc độ khác nhau, tần số 50 Hz hay 60 Hz.

Ngoài ra, còn có các loại động cơ đặc biệt như động cơ từ trở, động cơ bước, động cơ servo…

Qua nghiên cứu, đánh giá, Trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM có những phân tích giúp doanh nghiệp tham khảo, chọn loại động cơ sản xuất phù hợp…

Các nhà sản xuất muốn máy móc làm việc đúng các chỉ tiêu kỹ thuật, an toàn và tiết kiệm năng lượng cần chọn đúng công suất động cơ điện.

Nếu chọn công suất động cơ điện quá lớn thì giá thành tăng (tăng chi phí ban đầu), máy làm việc non tải với hiệu suất thấp (tăng chi phí vận hành), ảnh hưởng xấu đến lưới điện (tiêu thụ nhiều công suất kháng).

Ngược lại, nếu chọn động cơ nhỏ quá thì động cơ luôn luôn làm việc quá tải, bị đốt nóng quá mức, cách điện chóng già, giảm tuổi thọ.

Hiệu suất của động cơ là tốt nhất khi hoạt động ở 80 - 100% công suất định mức và ở dưới 50% công suất định mức hiệu suất động cơ giảm mạnh cùng với tổn hao gia tăng.

Thông thường, tại các nhà máy sản xuất động cơ hoạt động non tải chiếm phần khá lớn, khoảng 45 - 70% tổng số động cơ.

Trong các động cơ non tải này, tỷ lệ non tải dưới 50% công suất định mức cũng không phải nhỏ. Nguyên nhân có thể do chưa khai thác hết công suất thiết bị, hay động cơ đã bị thay, hoặc động cơ đã được quấn lại.

Ngoài ra, có một khuynh hướng chọn lựa động cơ lớn hơn mức cần thiết để đảm bảo an toàn đối với tải, vì vậy nên tránh điều này và thay bằng các thiết bị bảo vệ.

Khi chọn cần chú ý động cơ là tối ưu đối với những đặc tính khởi động và những đặc tính vận hành của tải; phương pháp bảo vệ và phương pháp làm mát là phù hợp với môi trường đặt động cơ; động cơ tin cậy cao và bảo trì dễ dàng, hệ số lắp và hệ số dự phòng cao, chi phí ban đầu và chi phí vận hành phù hợp (bao gồm cả phụ tùng).

Về mặt điều kiện tải có thể xem xét các điều kiện khởi động như tần số khởi động, mômen khởi động (khả năng khởi động không tải), sự cần thiết khởi động trơn. Các điều kiện dừng: sự cần thiết và mức độ dừng khẩn cấp, sự cần thiết dừng chính xác và giữ vị trí dừng.

Các điều kiện vận hành: cần quay ngược không, công suất tải là bao nhiêu, cần các chức năng đặc biệt nào.

Điều khiển tốc độ: có cần thay đổi tốc độ không, dải điều khiển tốc độ, sự cần thiết của điều khiển tốc độ.

Ngoài ra, cần phải xem xét đặc tính mômen của tải (mômen kiểu quạt gió, mômen kiểu cầu trục…), đặc tính thời gian của tải (loại dài hạn, loại ngắn hạn, loại ngắn hạn lặp lại).

Ở khía cạnh bảo toàn năng lượng, động cơ điện cần được chọn công suất phù hợp và bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên nhằm duy trì sản xuất liên tục, nâng cao hiệu suất năng lượng và tuổi thọ.

Ngoài ra, việc chọn lựa công suất phù hợp cho động cơ còn giúp cho chi phí ban đầu và chi phí vận hành của động cơ là tốt nhất

 
MINH THẾ
Thiết kế bởi Aptech-IT
 15 Đang online  3.148.762 Tổng lượt xem trang